Tìm kiếm Blog này

Tôi sẽ học gì

Có những người đã biết từ lâu rằng họ sẽ đi học đại học và học gì. Nhưng cũng có những người khác không biết họ có nên hoặc có thể học đại h...

10/18/2023

Ngành Quảng cáo và ngành Quan hệ công chúng (PR) khác nhau như thế nào?

Trong nền kinh tế mở giàu tính cạnh tranh như hiện nay, nhu cầu khẳng định vị trí, quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức ngày càng tăng khiến cho các công việc gắn với Quảng cáo, Quan hệ công chúng được đẩy mạnh tối đa. Đây được xem là mảnh đất “màu mỡ” dành cho các bạn có niềm đam mê sáng tạo, khả năng giao tiếp tốt và không ngại thử thách phát triển tương lai.


Tất nhiên, ngoài tố chất theo đuổi, các kiến thức cơ sở ngành có nét tương đồng thì mỗi ngành học có những đối tượng nghiên cứu riêng, vị trí công việc đặc thù. Do đó trước khi chọn học, thí sinh cần hiểu được ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng khác nhau như thế nào? Để từ đó, mỗi bạn xác định được hướng phát triển phù hợp với bản thân. 

 

Vậy khái niệm ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng được hiểu như thế nào? 

 

Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng, trước hết hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về khái niệm của hai ngành học này. 
Quảng cáo là ngành học nghiên cứu về hình thức tuyên truyền, giới thiệu thông tin, sản phẩm và dịch vụ của công ty đến khách hàng, nhằm tạo ra thói quen và hành vi của khách hàng bằng những thông điệp. Quảng cáo và Quan hệ công chúng đều là những "mắt xích" trong "dây chuyền" hoạt động Marketing.
Quan hệ công chúng (PR) lại tập trung nghiên cứu hoạt động hướng tới công chúng, cộng đồng, nhằm tạo dựng hình tượng, gây ấn tượng và thiện cảm cho công chúng về một tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp.

Tóm lại, Quảng cáo chính là để tăng sự hiện diện của sản phẩm, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tạo ra xu hướng in sâu vào tâm trí khách hàng. Còn với PR là xây dựng - bảo vệ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Quảng cáo chú trọng việc tự giới thiệu về bản thân còn PR lại quan tâm vào việc người khác nói gì về mình.
 

Chương trình học của ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng có gì khác nhau?

 

Tuy có nhiều sự tương đồng về các môn học nền tảng, một số vị trí công việc nhưng Quảng cáo và Quan hệ công chúng vẫn là hai ngành học có nhiều kiến thức chuyên sâu khác biệt. 
Đối với ngành Quảng cáo, sinh viên được tiếp cận các chiến lược quảng bá sản phẩm, học tập nhiều kỹ năng nghiệp vụ như: kỹ năng truyền tải thông điệp, kỹ năng tiếp thị hiệu quả, các kỹ năng liên quan đến thiết kế, quản trị quảng cáo.  
Với ngành Quan hệ công chúng, các bạn sẽ được trang bị các kiến thức tổng quan về
 truyền thông, mạng xã hội và truyền thông tương tác, hiểu rõ chức năng và vai trò của báo chí đối với xã hội, hiểu các quy trình hoạt động và sáng tạo truyền thông nhằm phục vụ cho PR. Người học có tư duy, phương pháp tác nghiệp của các loại hình  trong báo chí như phỏng vấn, phóng sự, viết tin,...
Ngoài những điểm khác biệt về kiến thức chuyên ngành, các bạn có thể phân biệt sự khác nhau giữa Quảng cáo và Quan hệ công chúng thông qua vị trí nghề nghiệp. 
Cử nhân ngành Quảng cáo có thể đảm nhận các công việc sau: 
 
  • Chuyên viên tại các công ty truyền thông, quảng cáo trong và ngoài nước 
  • Người thiết kế quảng cáo, tìm ra cách thể hiện ấn tượng nhất của một chiến dịch quảng cáo 
  • Điều hành quảng cáo, điều phối, quản lí các chiến dịch quảng cáo, hạn chế những rủi ro phát sinh 
  • Đạo diễn tại các phim trường, studio sản xuất đoạn phim quảng cáo. 
 
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực Quảng cáo thường xuyên được tiếp xúc, làm việc cùng đội ngũ sáng tạo như đạo diễn hình ảnh, copywriter, chuyên viên thiết kế đồ họa, diễn viên lồng tiếng,… 
Cử nhân ngành Quan hệ công chúng có thể đảm nhận các công việc sau: 
 
  • Phóng viên, biên tập viên báo chí, phát thanh, truyền hình và các kênh truyền thông
  • Xây dựng các chiến lược thành công trong kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp
  • Chuyên viên PR, phụ trách quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện tại các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước
 
Có thế nhận thấy, nhân sự trong lĩnh vực PR lại thường xuyên làm việc với báo chí, chính quyền, đối tác,…
Tuy có sự khác biệt về chuyên môn nhưng nhìn chung, cả hai ngành đều đòi hỏi khả năng sáng tạo, những ý tưởng độc đáo trong công việc. Vì thế, các bạn có thể lựa chọn công việc phù hợp với tố chất của mình. 
Trong bối cảnh cạnh tranh của các doanh nghiệp, cử nhân tốt nghiệp ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng luôn có nhiều cơ hội làm việc tại nhiều vị trí khác nhau. Vì vậy, các bạn thí sinh cũng nên tìm hiểu rõ sự khác nhau giữa Quảng cáo và Quan hệ công chúng để phát huy khả năng, trở thành nguồn nhân lực được “săn đón” trong tương lai nhé. 

10/13/2023

Ngành Quản trị Nhân lực

 Ngành Quản trị nhân lực, hay ngành quản trị nhân sự là một chuyên ngành hết sức hữu ích, nó giúp bạn nhìn nhận và đánh giá con người cũng như các công ty, tổ chức theo một cách khác biệt. Ngành này là sự kết hợp của rất nhiều các kỹ năng khác nhau, cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc về kinh doanh cũng như sự hiểu biết về các hoạt động bên trong của một công ty mà không phải ai trong công ty cũng có khả năng nhìn nhận. 

 

Ngành quản trị nhân lực là gì?

Ngành quản trị nhân lực là tất cả những chính sách, hoạt động, quyết định quản lý, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và toàn thể cán bộ công nhân viên. Bộ phận quản trị nhân sự bắt buộc phải có tầm nhìn về chiến lược và gắn liền với những kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.

Quản trị nhân sự là một trong những chức năng quan trọng và cơ bản của công tác quản trị, bởi con người là bộ phận nòng cốt, là nguồn lực quan trọng nhất và cũng chính là trung tâm của sự phát triển của một công ty, doanh nghiệp. Nếu như nói bộ phận bán hàng là mũi nhọn đứng đầu, mang lại mọi nguồn lợi, doanh thu cho doanh nghiệp, thì nhân sự được xem là hậu phương vững chắc giúp doanh nghiệp phát triển. Chính vì vậy, việc thu hút, đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, sắp xếp những có năng lực, phẩm chất phù hợp với vị trí, đồng thời giám sát, lãnh đạo, đảm bảo phù hợp với luật lao động và việc làm… chính là nhiệm vụ hàng đầu của những nhà quản trị.

 

Ngành Quản trị nhân lực học gì?

Mặc dù các môn học về nhân lực là thành phần bắt buộc trong các khóa học kinh doanh, bạn có thể tìm kiếm một mức độ cao hơn về chuyên môn trong ngành nhân lực bằng cách tham gia các khóa học về quản lý nhân lực ở cấp đại học hoặc sau đại học.

Các chương trình cử nhân xem xét và đánh giá cách thức con người, các quy trình và cấu trúc liên hệ tương tác lẫn nhau. Nó tập trung vào những phần quan trọng và mang tính quyết định trong tổ chức như quá trình ra quyết định, lập kế hoạch, quản lý cũng như quá trình hình thành chiến lược kinh doanh do cá nhân và các nhóm trong tổ chức thực hiện.

Các chương trình sau đại học sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về sự liên quan và tương tác giữa con người, các quá trình hoạt đông và cấu trúc trong các tổ chức doanh nghiệp. Khóa học tập trung nghiên cứu sự đóng góp của các các cá nhân và nhóm trong hoạt đông của một tổ chức, doanh nghiệp như là đưa ra quyết đinh, lập kế hoạch và quản lý các nhóm làm việc, các chiến lược quản lý, quản trị của tất cả các tổ chức và doanh nghiệp.  

 

Có nên theo học ngành quản trị nhân sự? Học quản trị nhân lực để làm gì?

Trong bất kì một tổ chức, con người luôn được đánh giá là yếu tố nòng cốt, đóng vai trò quyết định cho sự vận hành và phát triển của mỗi tổ chức. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng nhận thức sâu sắc rằng: để tạo nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giải pháp cần quan tâm nhất là giải pháp về con người. Vai trò của quản trị nguồn nhân lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, tổ chức.

Xuất phát từ thực tế đó, hiện nay, ngành nhân sự là một chuyên ngành có nhu cầu về lao động rất cao và rất được các bạn sinh viên quan tâm. Nghiên cứu những công ty được đánh giá là biết “thông lệ tốt nhất về nhân sự” (HR Best Practice) ở khu vực Đông Nam Á chỉ ra rằng, cứ khoảng 100 người lao động trong công ty thì cần một nhân viên nhân sự. Nếu đem chỉ số này áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có khoảng 138.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 1 triệu người lao động thì phải cần đến 10.000 nhân viên nhân sự thời điểm hiện tại. Thế nhưng, nguồn cung nhân viên nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng lẫn chuyên môn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên nhân sự có chất lượng cũng như nhà quản lý nhân sự giỏi và chuyên nghiệp.

 

Bạn có phù hợp với ngành Quản trị nhân lực? 

Hiện nay các doanh nghiệp và tổ chức đang có nhu cầu rất cao trong việc tìm kiếm những chuyên gia trong ngành HR vì họ muốn tập trung nỗ lực để tìm kiếm những nhân viên phù hợp nhất. Hãy xem bạn có những tố chất của một nhà HR theo danh sách sau:

  • Kỹ năng tổ chức tốt

  • Tính linh hoạt và nhiệt tình khi đương đầu với những thách thức mới

  • Hứng thú với công việc liên quan đến con người và luôn thay đổi

  • Đam mê tâm lý học và phát triển con người

  • Kỹ năng lãnh đạo

  • Kỹ năng giao tiếp tốt

Các chuyên gia trong ngành HR cũng có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động và thành viên của tổ chức khi họ trải qua những thời kỳ cá nhân khó khăn như nợ nần, bệnh tật, đau buồn hoặc khi họ đang phải đối mặt với những thách thức nghề nghiệp khắc nghiệt... Nếu bạn là một người thực sự quan tâm đến phát triển và đào tạo con người, HR là sự lựa chọn rất phù hợp.

 

Quản trị nhân lực học trường nào?

Có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành nhân sự ở cả trong và ngoài nước. Bạn có thể thỏa sức xem xét và lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất với năng lực và điều kiện của bản thân. Tại Việt Nam, sinh viên muốn theo học ngành quản lý nhân sự có thể tham khảo một số trường đại học như ĐH Kinh Tế Quốc Dân, ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Mở TPHCM,...

 

Học quản trị nhân lực ra làm gì?

 Là một chuyên gia nguồn nhân lực, bạn sẽ có cơ hội để làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như:

  • Tuyển dụng và quản lý tài năng

  • Học tập, Phát triển và Đào tạo

  • Tổ chức

  • Quan hệ và quản lý nhân sự

  • Đánh giá hiệu suất và khen thưởng

  • Làm việc tại các công ty Luật

Tại Việt Nam, các vị trí quản lý nhân sự trong nhiều doanh nghiệp nước ngoài và cổ phần được trả lương rất cao do các doanh nghiệp này hướng đến sự phát triển của nhân viên như một nguồn lực mạnh mẽ trong sự phát triển của tổ chức và nhìn nhận việc tuyển dụng được những người phù hợp như một phương thức tiết kiệm chi phí hiệu quả.

Ngành Báo chí

Nếu bạn yêu thích tìm tòi những câu chuyện thú vị để chia sẻ với mọi người thì rất có thể ngành báo chí là con đường bạn nên theo đuổi. Suy cho cùng, báo chí chỉ đơn thuần là một phương thức để bạn kể câu chuyện mình mong muốn.

 

Ngành báo chí là gì?

Định nghĩa một cách cơ bản, báo chí là lĩnh vực chuyên cung cấp thông tin đến công chúng. Dựa trên định nghĩa trên, các bạn có thể thấy báo chí không chỉ gói gọn trong báo giấy mà còn là báo mạng, chương trình thời sự, tạp chí hay thậm chí là một trang blog vì tất cả các kênh truyền thông này đều đem đến thông tin cho mọi người.

 

Nội dung báo chí cũng không nhất thiết chỉ có định dạng văn bản mà còn có thể là bộ ảnh, video hay thậm chí là âm thanh trên đài radio. Chỉ cần đáp ứng tiêu chí cung cấp thông tin cho độc giả thì nội dung thuộc bất kỳ định dạng nào trên mọi nền tảng đều được xem là một phần của lĩnh vực báo chí.

 

 

Vì lẽ đó nên khi nhắc đến báo chí, ngoài công việc phóng viên săn tin cho tòa soạn còn có những công việc khác như phát thanh viên truyền hình, phát thanh viên truyền thanh, blogger, biên tập viên, nhiếp ảnh gia và vô vàn các đầu việc liên quan. Nếu theo đuổi con đường báo chí, bạn sẽ có nhiều lựa chọn để cân nhắc cho con đường sự nghiệp của mình.

 

 

Làm nhà báo có gì vui?

Người đầu tiên biết tin sốt dẻo

Làm báo đòi hỏi phải có câu chuyện hoặc thông tin để kể nên bạn luôn phải chủ động tìm kiếm và quan sát những điều thú vị xung quanh chủ đề mình theo đuổi. Từ đó bạn sẽ có xu hướng nắm bắt thông tin mới nhanh hơn người thường. Sau khi làm việc một thời gian và dần tạo được uy tín, bạn sẽ không cần tốn thời gian tìm kiếm tin tức nhiều như xưa mà người khác sẽ chủ động cung cấp thông tin cho bạn để chia sẻ với công chúng. Càng có tên tuổi trong nghề, cơ hội bạn nhanh chóng tiếp cận được với thông tin sốt dẻo càng cao.

 

Gặp gỡ nhiều nhân vật thú vị

Câu chuyện nào cũng đều có các nhân vật trong đó nên khi làm báo bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều mảnh đời khác nhau. Nếu bạn chuyên về mục đời sống thì sẽ được gặp gỡ đầy đủ các thành phần trong xã hội. Còn khi bạn chọn theo đuổi chuyên mục giải trí thì hãy sẵn sàng diện kiến với những ngôi sao hàng đầu mà người thường ít có cơ hội gặp mặt.

 

Du lịch vòng quanh thế giới

Nếu bạn chưa biết thì phóng viên chuyên mục bóng đá luôn được cử ra nước ngoài tham dự các giải đấu quốc tế để lấy tin và ảnh. Chỉ xét riêng từng mùa World Cup đều được tổ chức ở một nước nên nếu bạn đảm nhiệm mục thể thao thì cứ mỗi 4 năm lại được vi vu sang xứ lạ một lần. Tuy nhiên, không phải lúc nào tác nghiệp ở nước ngoài cũng đem đến các trải nghiệm hào hứng. Nếu bạn được phân công thực hiện nội dung cho các đề tài “nóng” như tệ nạn xã hội thì sẽ phải đích thân thâm nhập vào một số nơi nguy hiểm để lấy tin.

 

 

Nghề báo có thử thách gì?

Giờ làm việc không cố định

Thời đại công nghệ bùng nổ nên mọi người không cần phải đợi đến sáng để đọc báo giấy mà chỉ cần lướt Facebook là có thể cập nhật thông tin. Vì lẽ đó nên sự cạnh tranh về thời gian đưa tin ở thời điểm hiện tại là rất lớn. Nếu giữa đêm có tin nóng thì bạn buộc phải thức trắng để lên bài nhanh chóng vì đơn vị nào càng đưa tin nhanh thì mức độ uy tín và lượt xem nhận được lại càng tăng cao. Yêu cầu ngày nào cũng phải có tin cũng đòi hỏi bạn phải “chạy” bài thường xuyên dưới áp lực thời gian không nhỏ.

 

“Bút sa gà chết”

Báo chí cung cấp thông tin cho độc giả nên có thể nói đây là lĩnh vực nắm trong tay quyền lực mềm không hề nhỏ. Với một bài báo vạch trần tội ác, bạn có thể cứu sống hàng ngàn người nhưng nếu thông tin bạn cung cấp sai lệch có thể sẽ gây thiệt hại rất lớn, thậm chí liên quan đến tính mạng của người khác. Nếu muốn theo nghề báo, bạn cần tập thói quen cẩn trọng với cách mình truyền tải thông tin để sự nghiệp không bị hủy hoại.

 

Xu hướng báo chí đổi mới liên tục

10 năm trước, không ai nghĩ sẽ có ngày báo mạng dần thay thế báo giấy truyền thống như hôm nay nên bạn có thể thấy ngành báo chí biến chuyển không ngừng. Để có thể tồn tại trong nghề, người làm báo cần rèn luyện các kỹ năng làm việc độc lập, linh hoạt và sáng tạo. Bạn không nên chỉ chuyên viết lách mà nên trau dồi thêm các kỹ năng chuyên môn khác như quay video hoặc chụp ảnh để dễ dàng thích nghi với mọi sự biến chuyển của ngành.

  

 

Ngành Báo chí sẽ học gì?

Chương trình đại học cung cấp kiến thức nền tảng trong việc tiếp cận và xử lý thông tin, cách trích dẫn, làm việc với các cơ quan hay làm quen với quy trình toàn diện của việc in ấn, xuất bản để có thể sản xuất nội dung hoàn chỉnh. Tùy vào chương trình học, bạn còn được học cách quản lý và sử dụng đa dạng các phương tiện truyền thông đại chúng cho một chiến dịch cụ thể. Tại nhiều trường đại học, sinh viên còn có cơ hội thực tập tại các tổ chức báo đài liên kết với nhà trường hoặc tự xây dựng các dự án.

 

Ở chương trình cao học, ngoài các môn học về viết lách, sinh viên còn được học chuyên sâu về phân tích tin tức, kỹ năng nghiên cứu, tổng hợp ở mức độ cao hơn so với chương trình đại học. Bạn cũng có thể chọn chương trình học chuyên sâu vào một lĩnh vực nhất định trong ngành như nhà báo chuyên về thời trang và phong cách, thể thao, truyền thông quốc tế, điện ảnh, truyền hình… Đây cũng là một lựa chọn lý tưởng cho các sinh viên báo chí với tấm bằng cử nhân về báo chí và đã có kinh nghiệm thực tế trong một khoảng thời gian nhất định.   

 

 

Du học ngành báo thường khá vất vả vì đòi hỏi sinh viên trau dồi nhiều kỹ năng để thực hiện các dự án như thiết kế website riêng, tự cập nhật thông tin, thành lập chuyên mục phát thanh, thực hiện phóng sự ngắn hay tham gia trực tiếp vào các chương trình truyền hình.

 

 

Triển vọng nghề nghiệp của ngành báo chí ra sao?

Khi nhắc đến công nghệ thông tin, mọi người chỉ chú ý đến phần “công nghệ” mà quên mất “thông tin” cũng có vị thế ngang hàng nên các công việc liên quan đến báo chí luôn có đất dụng võ trong thời đại này. Ngoài việc đầu quân vào các tòa soạn chính thống, bạn còn có thể chọn làm việc ở những công ty truyền thông quảng cáo hay thậm chí tự thành lập một trang thông tin của riêng mình trên nền tảng mạng xã hội. Nội dung bạn sản xuất càng thu hút độc giả thì lợi nhuận bạn thu về từ quảng cáo càng lớn.

 

Với các kỹ năng chuyên môn như thu thập tin tức, viết lách, chụp ảnh và sản xuất video của một người xuất thân từ ngành báo thì bạn có thể yên tâm là không bao giờ sợ thất nghiệp. Thời thế có thay đổi thế nào thì công chúng vẫn luôn tích cực tiêu thụ các sản phẩm nghe nhìn.

Ngành nha khoa

Nhu cầu về chỉnh nha cũng như chăm sóc răng miệng ngày càng cao trong cuộc sống hiện đại ngày nay khiến cho chuyên ngành nha khoa trở thành lựa chọn rất phổ biến cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành y học. 

 


Tổng quát về chuyên ngành nha khoa

Nha khoa chuyên về nghiên cứu, chẩn  đoán, phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan về răng và khoang miệng như xương hàm, nướu, mạc mô, xương mặt và má. Sinh viên theo học ngành nha khoa sẽ được trang bị những kiến thức về vệ sinh răng miệng, các bệnh lý về nhiễm trùng răng, kỹ thuật chỉnh nha cùng thực hành về phương pháp thay lắp răng giả, phục hồi răng, thân răng, chỉnh hình răng hàm mặt. Một số đầu việc của nha sĩ có thể kể đến như niềng răng, thay các bộ phận răng giả, điều chỉnh nội nha như sâu răng, cao răng, nhổ răng. Ngoài ra, tùy vào chuyên ngành mà người học cần nắm rõ các kiến thức về cách kê đơn thuốc và cả những công việc mang tính chất phức tạp như phẫu thuật, gây mê, cấy ghép. 

 

Các chuyên ngành đào tạo nha khoa mà sinh viên có thể lựa chọn bao gồm:

  • Chỉnh nha 

  • Chăm sóc nha khoa

  • Phục hình răng

  • Chỉnh răng nội nha

  • X-Quang chỉnh hình miệng

  • Phẫu thuật tháo lắp răng

  • Nha khoa nhi

  • Nha khoa y tế cộng đồng

Cấu trúc ngành học nha khoa

Nếu bạn muốn trở thành một nha sĩ chuyên nghiệp, việc đầu tiên bạn cần làm đó là theo học lấy bằng cử nhân ngành nha khoa. Đây là cấp độ phổ biến nhất mà các bạn sinh viên nha khoa lựa chọn. Thời gian học thường là 4 năm tùy theo trường học và lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Trong quá trình học, để có thể tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn bạn sẽ có thể tham dự một số lớp học trong phòng thí nghiệm như một phần yêu cầu của môn học.  

 

ngành nha khoa

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn có thể tham gia làm việc tại các bệnh viện, phòng khám nha khoa học. Những bạn muốn theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu về nha khoa thì có thể tham gia các khóa học bậc sau đại học. Một số trường đại học sẽ đòi hỏi 2- 3 năm kinh nghiệm để bạn có thể theo học các bậc học sau đại học. Hiện nay một số trường đại học quốc tế đã cung cấp các các khóa học bậc Thạc sĩ về khoa học Chỉnh nha hoặc Thạc sĩ Khoa học Nha khoa, thường kéo dài 2-3 năm.

 

Học nha khoa ở đâu?

Với nhu cầu học và làm việc trong nước, các trường đại học Y Dược hàng đầu Việt Nam đều có chuyên khoa đào tạo ngành nha ở các thành phố lớn như: Hà Nội - Hải Phòng - Huế - Hồ Chí Minh - Cần Thơ,.... 

Cơ hội nghề nghiệp của ngành nha khoa

Ngày này ngoài làn da, mái tóc thì răng miệng là yếu tố được nhiều người quan tâm, chăm chuốt nên nha sĩ hiện nay là một nghề “hái ra tiền”. Theo khảo sát của BBC, mức thu nhập của bác sĩ hoạt động trong ngành Răng - Hàm - Mặt thường cao hơn những nghề khác thuộc lĩnh vực y tế.

 

ngành nha khoa

 

Sinh viên vừa ra trường có thể làm việc ở các phòng khám răng hàm mặt, phòng khám nha khoa, các bệnh viện hay các tổ chức phi chính phủ. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và muốn chủ động hơn trong công việc, bạn có thể tự mở một phòng khám nha khoa tư nhân.

 

Một số công việc chính thức gắn liền với ngành học này là:

  • Bác sĩ nha khoa

  • Trợ lý theo dõi, chăm sóc răng miệng

  • Chuyên viên phục hình răng

  • Kỹ thuật viên nha khoa

 

Những điều thú vị có thể bạn chưa biết nếu theo đuổi ngành nha khoa

 

Không chỉ học kiến thức về răng

Mặc dù ngành nha khoa chủ yếu liên quan đến việc học về răng miệng nhưng vẫn có một số môn học khác được đề cập trong khóa học. Ví dụ như bạn sẽ tìm hiểu những kiến thức cơ bản về bệnh tật ở người, liều lượng thuốc, tâm lý sức khỏe và kiến thức cơ bản về vật lý liên quan đến vật liệu nha khoa. Khóa học bao gồm nhiều chủ đề có thể được áp dụng để hiểu nha khoa và cải thiện chăm sóc bệnh nhân.

 

Thuận tay phải là một lợi thế

Nha sĩ, điều dưỡng nha khoa và y sĩ chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt thực hiện khám bệnh nhân có sử dụng ghế máy nha khoa phải thuận tay phải. Lý do là vì các ghế máy nha khoa trong nước hiện nay đều có thiết kế cho người điều trị ngồi bên phải, đa số là cố định và không điều chỉnh sang bên ngược lại. Mặc dù trên thế giới có những dòng máy nha khoa được thiết kế riêng cho người thuận tay trái nhưng tại các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở y tế phổ thông không phải lúc nào cũng có trang bị đầy đủ, trừ khi là phòng khám riêng của bạn. Vì vậy, nếu không tập sử dụng được dụng cụ bằng tay phải bạn nên cân nhắc khắc phục.

 

ngành nha khoa

 

Sự tỉ mỉ và chính xác không bao giờ thừa thãi

Công việc về nha khoa đòi hỏi kỹ năng sử dụng các công cụ sắc nhọn và thực hiện ở khoang miệng của bệnh nhân. Có thể thấy các phụ tá nha sĩ/ bác sĩ nha khoa là những người “có tâm của bác sĩ và bàn tay của một kỹ sư”. Đặc biệt với chuyên ngành về kỹ thuật phục hình răng, tạo răng giả thường khá nhỏ tính bằng milimet, đắp sứ, mài nhựa,... đều yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo nhất định. Ngoài ra, khi tiến hành khám cho bệnh nhân, nha sĩ cần sự tập trung để thực hiện chính xác để tránh hậu quả khôn lường. Có những vấn đề không chỉ nên dựa vào kinh nghiệm mà còn dựa vào phát đồ, x-quang xương hàm của người bệnh như nhổ răng cấm số 6,7,8 hay răng khôn.   

 

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nha khoa

Điều trị nha khoa hiện nay không chỉ dựa trên thăm khám toàn diện và phân tích các dữ liệu hiện có của bệnh nhân. Với sự phát triển của công nghệ thông minh, AI hiện nay đã được đưa vào lĩnh vực này với nhiều mục đích như hỗ trợ đưa ra quyết định trong chỉnh hình răng mặt, phát hiện sâu răng, khảo sát và chẩn đoán các bệnh lý nha chu, thậm chí đề xuất các kế hoạch điều trị. Với sự hỗ trợ từ Trí tuệ nhân tạo, chất lượng chẩn đoán và chữa trị ngày càng cải thiện, song song với mức độ hài lòng của khách hàng.

Thiết kế thời trang

 Thời trang luôn thay đổi và cần nhiều gương mặt mới, chính vì thế việc theo học ngành thời trang sẽ cho bạn một cơ hội nghề nghiệp vô cùng rộng mở.

Công việc “đầu ra” của sinh viên thời trang

Tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang, bạn sẽ có cơ hội làm việc trong những công ty chuyên sản xuất quần áo hoặc làm việc với các nhà tạo mẫu, những người nổi tiếng, chuyên gia trang điểm... Ngoài ra, còn rất nhiều cơ hội làm việc tại phòng thiết kế chuyên nghiệp, chuyên cung cấp mẫu thiết kế cho các công ty may mặc. Nếu bạn thật sự xuất sắc, bạn sẽ có cơ hội làm cho những thương hiệu thời trang nổi tiếng… Một số sinh viên sau khi học xong ngành thiết kế có thể làm việc ở lĩnh vực tư vấn thời trang, chuyên phụ trách báo thời trang hoặc kinh doanh thời trang...

Môi trường làm việc chuyên nghiệp của ngành thời trang

Ngành thời trang đòi hỏi một môi trường làm việc năng động và áp lực. Nhà thiết kế thời trang thường làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều. Mặc dù vậy, khi tham gia một dự án thời trang, bạn có thể phải làm thêm giờ vào cuối tuần để kịp tiến độ. Nếu chọn con đường làm nhà thiết kế thời trang tự do (freelancer), giờ giấc làm việc thoải mái hơn đi cùng với áp lực công việc lớn hơn.

Ngoài những lúc làm việc độc lập bạn sẽ có cơ hội làm nhóm và tiếp xúc với những nhà tạo mẫu, thiết kế họa tiết vải, phụ kiện... Nếu bạn nghĩ nơi làm việc của các nhà thiết kế là xưởng phim (studio), phòng may... thì bạn đã đúng nhưng vẫn còn thiếu. Các nhà thiết kế luôn có cơ hội du lịch khắp các kinh đô thời trang, tham gia các buổi trình diễn lấy cảm hứng và cập nhật các xu hướng mới nhất.

Điều kiện để theo học ngành thiết kế thời trang

Mỗi một khóa học ngành thời trang lại có một yêu cầu đầu vào khác nhau. Nếu đã xác định theo đuổi ngành thời trang tại một trường đại học cụ thể, bạn nên tìm hiểu kỹ yêu cầu đầu vào của trường. Thông thường nếu học đại học ngành thời trang, bạn sẽ được tham gia một khóa học hướng dẫn từ các bước nhỏ nhất để làm quen với ngành học đến việc tạo portfolio cho bản thân.

Những kỹ năng bạn cần có để trở thành nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp

  • Có con mắt hội họa sáng tạo về màu sắc, hoa văn và chất liệu vải
  • Kỹ năng vẽ phác thảo tốt
  • Am hiểu về các đặc điểm của các loại vải khác nhau
  • Thành thục kỹ năng may và khâu vá các mẫu quần áo
  • Biết cách thể hiện ý tưởng cho các tác phẩm thông qua phác thảo trên giấy hoặc máy tính
  • Có đủ khả năng tài chính để chi trả cho tiền nguyên vật liệu may mặc
  • Có khả năng tự quảng bá cho các mẫu thiết kế của mình và biết cách thương lượng với khách hàng. Tự vận hành công việc của một nhà thiết kế tự do cả về mặt tài chính và quản lý.