Tìm kiếm Blog này

Tôi sẽ học gì

Có những người đã biết từ lâu rằng họ sẽ đi học đại học và học gì. Nhưng cũng có những người khác không biết họ có nên hoặc có thể học đại h...

2/24/2023

055. Ngành Tâm lý học

Hiện nay, ngành Tâm lý học đã  và đang trở thành một ngành học hấp dẫn, thu hút đông đảo lớp  bạn trẻ Việt Nam với triển vọng nghề nghiệp vô cùng rộng. 

Theo học ngành Tâm lý học, các bạn sẽ được nghiên cứu về các hiện tượng diễn ra trong thế giới nội tâm của con người như lối suy nghĩ, hành vi, tư tưởng và cảm xúc. Nói cách khác, khi học ngành Tâm lý, bạn sẽ được học cách đánh giá những ảnh hưởng của môi trường và yếu tố ngoại cảnh lên tâm lý con người. Trong khuôn khổ của một khóa học ngành Tâm lý, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những môn học phổ biến như: Tâm lý học lâm sàng (Clinial Psychology), Tâm lý học nhận thức (Cognitive Psychology), Tâm lý học xã hội (Social Psychology), Tâm lý học hành vi (Behavioural Psychology), Tâm lý học về sự phát triển (Developmental Psychology),…



Các bạn sẽ được làm quen với những lý thuyết có liên quan trực tiếp đến chuyên môn, đồng thời sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự tin áp dụng kiến thức tâm lý trong nhiều ngành nghề khác nhau trên thị trường lao động. Dù lựa chọn theo đuổi bất kỳ con đường nào thuộc phạm trù ngành Tâm lý, bạn phải học được sự kiên nhẫn, cách ứng xử khéo léo và sự nhạy bén trước những tình huống bất ngờ. Chính vì vậy, sinh viên của ngành Tâm lý học thường được mài giũa tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, khả năng đo lường và phân tích dữ liệu, năng lực giải quyết vấn đề và quan trọng hơn hết là kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Nội dung chính của chương trình đào tạo tâm lý học bao gồm các học phần về lý thuyết tâm lý học, phương pháp nghiên cứu tâm lý học, và các ứng dụng của tâm lý học trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghiệp, y tế, và các tổ chức xã hội. Các chuyên ngành tâm lý học bao gồm những lĩnh vực chuyên biệt như tâm lý học học đường, tâm lý học tư vấn, tâm lý học công nghiệp, tâm lý học phát triển, tâm lý học xã hội và những lĩnh vực khác.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các vị trí như:

  • Chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học, trung tâm, đài phát thanh, đài truyền hình,...
  • Chuyên viên trị liệu tâm lý tại các bệnh viện
  • Chuyên viên phụ trách các bộ phận nhân sự, quảng cáo - marketing, quan hệ khách hàng, chăm sóc khách hàng,... trong các doanh nghiệp
  • Giảng dạy, nghiên cứu tâm lý trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm, viện nghiên cứu
  • Tư vấn tâm lý độc lập

Để theo đuổi và chinh phục ngành Tâm lý, nếu chỉ có đam mê đôi khi là chưa đủ. Trên thực tế, các chuyên gia Tâm lý thường sở hữu một số tố chất quan trọng sau đây:

Khả năng lắng nghe và thấu cảm- Dù bạn là một nhà Tâm lý hay đảm nhiệm một vị trí công việc yêu cầu sử dụng các kiến thức Tâm lý, bạn nên biết cách đặt mình vào vị trí của người xung quanh để có những góc nhìn khách quan về sự việc, từ đó biết lắng nghe và cảm thông trước câu chuyện của người đối diện. Phiến diện, bảo thủ hoặc thiếu khả năng thấu cảm là những tính cách không nên có của một chuyên gia trong ngành Tâm lý. Đó cũng chính là lí do những người làm việc áp dụng chuyên môn trong ngành Tâm lý thường sẽ có trí thông minh cảm xúc cao.

Khả năng giao tiếp hiệu quả - Một trong những mục tiêu cơ bản của ngành Tâm lý là kiểm soát và thay đổi hành vi, giúp con người có đời sống tinh thần tốt hơn. Chính vì vậy, sự khéo léo trong giao tiếp là chìa khóa để mở ra những buổi tư vấn tâm lý hiệu quả, cho ra được những giải pháp tối ưu. Một người làm việc trong ngành Tâm lý cần học cách giao tiếp thông minh, đồng thời có cả khả năng diễn đạt thông suốt, với những lý lẽ thuyết phục người nghe.

Sự kiên trì và khả năng chịu đựng áp lực- Đối với những bạn muốn theo học và làm việc trong lĩnh vực Trị liệu Tâm lý, sự kiên trì và khả năng chịu được áp lực công việc cao chính là hai tố chất không thể thiếu. Trọng trách của một nhà Tâm lý Học chính là giúp đỡ người đối diện tìm ra phương hướng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của họ. Công việc này thường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám. Do đó, việc trang bị cho bản thân lòng kiên trì, quyết tâm và khả năng không ngại đối diện với áp lực chính là bước đệm cần thiết giúp bạn thành công trên con đường học và làm trong ngành Tâm lý.

Cuối cùng, một chuyên gia trong ngành Tâm lý còn phải có khả năng quan sát và phân tích dữ liệu  cũng như tư duy logic sâu sắc để đánh giá tình huống chính xác, kết hợp cùng khả năng giải quyết vấn đề để tìm ra những giải pháp Tâm lý cần thiết. 

Để trở thành chuyên gia tâm lý học thực sự thường sẽ phải có bằng cấp sau đại học và đòi hỏi nhiều thời gian và công sức cho các nghiên cứu của bản thân. Một số nước trên thế giới có hạn chế số lượng sinh viên theo hcoj ngành tâm lý học vì đây được coi là một lĩnh vược liên quan đến sức khỏe con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét