Tìm kiếm Blog này

Tôi sẽ học gì

Có những người đã biết từ lâu rằng họ sẽ đi học đại học và học gì. Nhưng cũng có những người khác không biết họ có nên hoặc có thể học đại h...

2/24/2023

050. Ngành Công tác xã hội

Ngành Công tác xã hội là một ngành học chuyên môn có liên quan đến việc giúp đỡ cho các cá nhân, nhóm, cộng đồng có thể phục hồi hay tăng cường chức năng xã hội góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội.

Mục tiêu đào tạo của ngành Công tác xã hội chính là đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực có đầy đủ đạo đức và tài năng làm việc được trong những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội của con người, thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người; giải quyết được các vấn đề mới xuất hiện và nảy sinh trong đời sống xã hội thường ngày. Xây dựng kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy và nhất là kỹ năng can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội, tư vấn xây dựng các chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.


Bên cạnh những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên ngành Công tác xã hội được trang bị kiến thức cơ bản về công tác xã hội trong các lĩnh vực của đời sống qua nhiều môn học chuyên ngành: Công tác xã hội với gia đình và trẻ em, Công tác xã hội nhóm, Công tác xã hội trong trường học, Công tác xã hội với người khuyết tật, Tham vấn tâm lý, Tổ chức và phát triển cộng đồng,… Theo định hướng đào tạo, cử nhân ngành Công tác xã hội được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, cơ sở chuyên ngành và kỹ năng thực hành nghề công tác xã hội, có phương pháp tư duy khoa học, phẩm chất đạo đức và năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra

Sinh viên ngành Công tác xã hội khi ra trường có thể làm việc ở nhiều nơi với nhiều vị trí khác nhau:

  • Phát triển cộng đồng: Sinh viên khi ra trường có thể làm trong lĩnh vực phát triển cộng đồng với tư cách là Cán bộ dự án phát triển cộng đồng, Trợ lí dự án phát triển cộng đồng và Cán bộ truyền thông trong dự án phát triển.
  • Nhân viên công tác xã hội: Làm việc trong những cơ sở có liên quan tới việc trợ giúp những người yếu thế trong xã hội với tư cách là những người tham gia vào quá trình vận động chính sách, hoạch định chính sách có liên quan tới truyền thống và văn hoá, giáo dục cá nhân, cộng đồng thay đổi hành vi.
  • Nhà quản trị công tác xã hội: Nhiệm vụ và công việc phải làm: Quản lí các mạng lưới công tác xã hội; Tham mưu xây dựng chính sách cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; Giám sát quá trình thực thi chính sách và đưa ra khuyến nghị sửa đổi, bổ sung. Có cơ hội làm việc trong các Ban, Ngành soạn thảo, ban hành chính sách vẫn còn thiếu sự tham gia của nhân viên Công tác xã hội.
  • Cán bộ đào tạo, nghiên cứu trong các dự án phát triển: Nhiệm vụ và công việc phải làm: Tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng; Lên chương trình, nội dung kiến thức (phù hợp với mục đích, đối tượng của từng dự án, nhu cầu người học); Tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo; Tham gia thực hiện đào tạo dự án; Lượng giá hoạt động đào tạo dự án.
  • Giảng viên giảng dạy Công tác xã hội trong các cơ sở đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học…
  • Làm nhà tư vấn/ tham vấn trong các công ti, Trung tâm làm dịch vụ tư vấn/ tham vấn tâm lí.
  • Cán bộ trong các lĩnh vực xã hội như: Cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các Viện, các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Công tác xã hội, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét